Vàng ruộm đặc sản cam bù Hương Sơn

Trên mâm cỗ cúng ngày Tết cổ truyền của người dân Hà Tĩnh nói chung, huyện Hương Sơn nói riêng không thể thiếu những quả cam bù đặc sản.

Cuối tháng 11 âm lịch hàng năm, khu vực huyện miền núi Hương Sơn lại nhuộm sắc vàng rực. Năm nay sắc vàng đấy phủ rộng diện tích 617/1.000 ha cam. Nông dân các xã Sơn Trường, Sơn Mai, Sơn Hàm, Kim Hoa, Sơn Lâm... phấn khởi vì cam được mùa, quả đẹp, vị ngọt hơn các năm trước.

Tuy nhiên, do năm nay nhuận hai tháng 4 nên một số diện tích chín sớm, không thể chờ bán vào dịp Tết.

Theo thống kê của UBND huyện Hương Sơn, năng suất năm nay ước đạt 152 tạ/ha, sản lượng ước trên 9.300 tấn, giá trị sản xuất khoảng 300 tỷ đồng.

Cây cam bù xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1972, do hợp tác xã Thạch Sơn trồng tại vùng núi Kim Nhan. Cam bù tiếp tục được trồng và nhân giống rộng rãi, trở thành loại cây lọt top 50 đặc sản trái cây nổi tiếng của Việt Nam . Giống cam này cho năng suất cao, giá trị kinh tế lớn với hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện Hương Sơn, Vũ Quang .

Vào những tháng cuối năm, khắp các đồi núi tấp nập người mua kẻ bán. Đặc sản cam bù Hương Sơn đã vươn ra thị trường ngoài tỉnh như Nghệ An Quảng Bình Hà Nội ...

Cam bù gần giống với cam canh. Là giống trái cam to, có vỏ dày màu cam, nhẵn, múi cam dễ tách và rất mọng nước.

Kích thước cam bù khá lớn, nặng khoảng 200 - 300g/quả; một số quả còn nặng đến 500g. Đây cũng là phần dễ nhận biết nhất của loại cam này.

 

 

 

 

 

Cam bù có vị chua chua ngọt ngọt, mang mùi thơm thoang thoảng.

Cam bắt đầu thu hoạch từ tháng Chạp kéo dài đến qua Tết Nguyên đán .

Những năm gần đây, nhiều đề tài khoa học cấp bộ ngành, địa phương được triển khai nhằm bảo tồn, phát triển giống cam bù đặc sản. Người trồng cam cũng mạnh dạn đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, hướng đến cung cấp sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng.

Bà con nông dân cũng đặt bẫy bắt côn trùng thay vì phun thuốc BVTV để cho ra quả cam sạch.

Gia đình ông Ngô Xuân Linh (xã Kim Hoa) trồng trên 2.000 gốc cam. Mỗi năm cho sản lượng trên 20 tấn. Nhiều tiểu thương đã đến tận vườn để thu mua, ông Linh phải thuê thêm 4 nhân công làm việc để kịp cắt cam và đi gửi cho các đại lý. Cam được đóng thùng, vận chuyển đi Vinh (Nghệ An), Hà Nội và các tỉnh phía Nam. Theo người trồng cam nơi đây, khi thu hoạch, để quả cam còn tươi nguyên cuống và lá, người dân phải lấy tay trái đỡ nhẹ nhàng phía dưới quả, tay phải cầm kéo cắt tỉa cẩn thận.

Mỗi cây cam có tuổi đời từ 10 đến 15 năm. Những cây già cỗi, sản lượng thấp sẽ bị chặt bỏ để trồng cây mới. Người trồng cam chia sẻ, sau khi thu hoạch bà con sẽ vun gốc, bón hữu cơ, tăng độ tơi xốp cho đất và tăng độ ngọt cho quả cam ở vụ sau.

Giá cam bù Hương Sơn thu mua tại vườn giao động từ 35.000 đồng/kg đến 60.000 đồng/kg.

Cam bù không chỉ giàu giá trị dinh dưỡng mà còn có tác dụng hỗ trợ chữa các bệnh như: cảm cúm, viêm phế quản, đường ruột, tim mạch…

Thanh Nga

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê
  • Đang truy cập6
  • Hôm nay41
  • Tháng hiện tại1,605
  • Tổng lượt truy cập24,677
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây